Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Lấy ý kiến góp ý vào dự thảo luật trình tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

2021-10-12 14:30:00.0

Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị.

Dự Hội nghị có các đại biểu Quốc hội gồm các đồng chí: Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Hy Lạp; Lý Văn Huấn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên).

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia ý kiến vào Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13.

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 được Quốc hội khóa X, Kỳ họp thứ 8, thông qua ngày 9/12/2000. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 10, thông qua ngày 27/11/2015. Sau 20 năm triển khai Luật Kinh doanh bảo hiểm (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010 và 2019) và 5 năm triển khai Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đến nay đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 08 chương, 156 điều. So với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, dự thảo sửa đổi 81 điều, bổ sung 58 điều, bãi bỏ 33 điều và giữ nguyên 17 Điều, trong đó: Nhóm các điều giữ nguyên (17 điều): Quy định về giám định tổn thất, tổn thất do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường, thời hạn cấp giấy phép, giấy phép văn phòng đại diện, năm tài chính, chế độ kế toán, thu, chi tài chính,...; nhóm các điều sửa đổi (81 điều): Tập trung chủ yếu tại Chương II - Hợp đồng bảo hiểm, và một số chương khác về doanh nghiệp bảo hiểm; nhóm các điều bổ sung (58 điều), bao gồm: Các quy định về các nguyên tắc giao kết hợp đồng bảo hiểm, về bảo hiểm tạm thời người thụ hưởng, về phòng chống gian lận bảo hiểm, về quyết tranh chấp.. Những quy định chưa được thể hiện tại Luật hiện hành nhưng thực tế đã có hoặc thông lệ quốc tế đã có (như quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin, các tình huống và biện pháp xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính, vốn...), những vấn đề đã được quy định tại các văn bản luật, có tính ổn định, nay được bổ sung.

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13: Dự án luật được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ hai, để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), bảo đảm đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định đã được phê chuẩn tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội (theo Nghị quyết này, thời điểm cam kết liên quan đến Bộ luật Tố tụng hình sự trong Hiệp định là 03 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, tức là ngày 14/01/2022). Đồng thời, giải quyết ngay những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn (như cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về bố trí Công an xã chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã; khắc phục khó khăn trong thực tiễn khởi tố, điều tra, truy tố các vụ việc, vụ án hình sự;...

Đồng chí Đàm Tiến Dũng, Phó Chính ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia ý kiến tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và cơ bản nhất trí với dự thảo Dự án Luật Tố tụng hình sự cần bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng công an chính quy cấp xã. Đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm, các đại biểu đã thảo luận tập trung vào những nội dung: Cần quy định rõ các loại bảo hiểm được kết hợp trong việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, được quy định tại Điều 24 cần được xem xét sửa đổi cho phù hợp với Bộ Luật dân sự; hình thức bảo hiểm được quy định tại Điều 15 cần phải được điều chỉnh; tên gọi của Điều 64 chưa phù hợp; cần rút ngắn thời hạn cấp phép kinh doanh bảo hiểm được quy định tại điều 72; xem xét bỏ khoản 3 điều 73… Ngoài ra, đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) đặt vấn đề về việc nên đa dạng các loại hình bảo hiểm xã hội; tách bảo hiểm y tế khỏi bảo hiểm xã hội để đảm bảo việc thực hiện quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế được thực hiện kịp thời khi gặp rủi ro.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu, giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổng hợp đầy đủ, xây dựng báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị, các đại biểu Quốc hội và các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu có ý kiến tham gia để hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo luật khi ban hành có tính khả thi cao và thực sự đi vào cuộc sống.

Thanh Tâm
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2320230